Câu ca dao đã truyền từ ngàn đời nay nhắc nhở các thế hệ "con Rồng cháu Tiên" nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ ngày giỗ Tổ về thắp nén hương thơm tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước - khởi dựng nên non sông gấm vóc Việt Nam. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và ngày giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng đã tồn tại theo suốt tiến trình lịch sử dân tộc, là sự khẳng định niềm tin vào truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, với truyền thống" Uống nước nhớ nguồn" của cộng đồng người Việt. Di tích lịch sử Đền Hùng ở Phú Thọ là nơi thờ các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước; là hồn thiêng sông núi để hàng năm cứ đến dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch, hàng triệu người từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây dâng hương tưởng nhớ tri ân công đức tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc.

Du khách về thăm viếng Đền Thượng
Từ xa xưa, cư dân Việt cổ ở vào thời đại Hùng Vương, tại khu vực Đền Hùng đã có những tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thờ trời, thần núi và các tín ngưỡng nông nghiệp cổ. Trong đó tục thờ lúa thần và đặc biệt là tín ngưỡng thờ phồn thực nông nghiệp, thờ sinh thực khí cầu mong sự sinh sôi nảy nở. Tất cả các nghi thức ấy, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống dần dần đã trở thành các nghi thức không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần, và rồi, những người đứng đầu có vai trò quan trọng trong cộng đồng của cư dân cổ - các Vua Hùng đã được thờ trong nghi thức đó. Phải chăng đây là sự bắt đầu để rồi phát triển thành tín ngưỡng thờ tổ tiên - các vua Hùng, lưu giữ, trao truyền và trở thành bản sắc.
Tên gọi Hùng Vương đã đi vào thế giới tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành hiện tượng xã hội, là nội dung tinh thần quan trọng gắn với đời sống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng Hùng Vương được khẳng định là ông Tổ chung và duy nhất của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt, Vua Hùng là ông Vua mở nước, sinh dân, tạo ý nghĩa đồng bào. Vua Hùng đã thực sự thấm sâu vào ý thức tự tôn dân tộc của người Việt.
Ngày 06 tháng 12 năm 2012, trong phiên họp lần thứ 7 Uỷ ban liên chính phủ của tổ chức UNESCO Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang tỏa sáng, lan rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn nổi bật, tiêu biểu toàn nhân loại và đại diện toàn cầu và ngày giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào nhân dân cả nước.
Từ những năm cuối của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ xây dựng nghi thức nghi lễ, lễ phục, nhạc lễ ... trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, nơi có các di tích, công trình lịch sử văn hoá thờ Hùng Vương, vợ con tướng lĩnh thời các Vua Hùng, thờ nhân vật liên quan tới thời đại các Vua Hùng, tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, đảm bảo trang trọng, thành kính, tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày lễ lớn.

Quang cảnh tại Cổng chính
Tỉnh Phú Thọ được thay mặt đồng bào cả nước trông coi lăng miếu, hương khói thờ cúng Tổ tiên, bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm, đã tập chung chỉ đạo công tác tổ chức và phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng với quyết tâm hướng tới sự mẫu mực để xứng đáng là Lễ hội cấp quốc gia quan trọng nhất trong năm. Cùng với các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, nhân dân trong tỉnh và các tỉnh đại diện 3 miền tham gia tổ chức giỗ Tổ, tỉnh Phú Thọ đã sớm xây dựng Kế hoạch, thành lập Ban Tổ chức, tích cực triển khai thực hiện, chuẩn bị nội dung, điều kiện cơ sở vật chất, huy động các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời cũng chuẩn bị các phương án để đảm bảo cho Lễ hội diễn ra an toàn. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, hướng tới các giá trị cộng đồng sâu sắc và gắn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng nhằm tôn vinh Di sản thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và "Hát Xoan Phú Thọ". Mục tiêu cao nhất là hướng tới tổ chức Lễ hội mẫu mực, chu đáo và làm hài lòng các du khách khi hành hương về với Đất Tổ. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh Phú Thọ đón 6 - 7 triệu lượt đồng bào và du khách về dự giỗ Tổ.
Cùng với việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng hàng năm, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, tuyên truyền phát huy giá trị, bảo vệ Di tích và rừng quốc gia Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ giao cho Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác đón tiếp phục vụ đồng bào và du khách, tập thể cán bộ, nhân viên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng luôn chủ động, tích cực, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phục vụ, đón tiếp đồng bào và du khách về thăm quan và tham dự giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng hàng năm được thuận lợi, chu đáo, an toàn. Bên cạnh đó, hàng năm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tập huấn, hướng dẫn nghi thức hành lễ, tổ chức thi tuyển thủ từ tại các đền thuộc Khu di tích và các đền thờ Hùng Vương ở địa phương, tạo điều kiện cho người dân tự nguyện thực hành nghi lễ tín ngưỡng về bảo tồn di sản văn hóa. Thực hiện công tác đầu tư, tôn tạo, tu bổ theo quy hoạch và dự án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hạng mục trong Khu di tích lịch sử đền Hùng đã được tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới khang trang, bề thế đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào hành hương về lễ Tổ.
Năm 2020 là năm chẵn, vì vậy giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức quy mô cấp Quốc gia, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương”. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 10 tháng ba năm Canh Tý, (tức từ ngày 24 -3 đến hết ngày 2-4-2020 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Thành phố Việt Trì và các vùng lân cận. Trong đó, các hoạt động chính diễn ra trong 5 ngày, (từ mùng 6 đến hết ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch). Phần Lễ sẽ gồm 6 nội dung chính: Trọng tâm là Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra sáng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp thực hiện; Mùng 6 tháng 3 năm Canh Tý, là Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Từ ngày mùng 1 đến mùng 9, các tỉnh, thành phố tham gia tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và các huyện, thành, thị trong tỉnh tổ chức Lễ dâng tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích; các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích tổ chức Lễ rước kiệu về Đền Hùng. Đặc biệt vào ngày mùng 10 tháng 3, khi tại đền Thượng (Điện Kính thiên) trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra lễ dâng hương của thì đồng loạttại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên cả nước cũng đồng loạt tổ chức dâng hương tại các di tích theo sự hướng dẫn của Bộ VHTT&DL; cũng vào ngày này, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ những năm gần đây đã tuyên truyền, khuyến khích mỗi gia đình người dân sẽ làm một mâm cơm để dâng cúng lên ban thờ Tổ tiên tại gia để cùng tưởng nhớ, tri ông ông, bà, cha mẹ, tổ tiên mình. Điều đó chính là giá trị bản sắc riêng có của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện đạo lý, và sự biết và lòng thủy chung của cộng đồng đối với quá khứ. Truyền thống ấy đã được hình thành, bám rễ và ăn sâu trong đời sống, trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, tạo nên sức sống và sự lan tỏa sâu, rộng của một loại hình tín ngưỡng độc đáo duy nhất đã được UNESCO đã công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đền Hùng - nơi thờ Tổ tiên chung của dân tộc đã in đậm trong tâm khảm của các thế hệ người Việt. Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không có biên giới riêng mà là biên giới cộng đồng. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Ở đó tất cả mọi người đều có chung một vị Thánh Tổ - Vua Hùng. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt - tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Giỗ tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc, đã kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Lê Trường Giang - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng